TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHƯỜNG QUỲNH XUÂNThiết kế & Vận hành: Công ty Truyền thông Trực tuyến Việt Nam- Trụ sở: 103 Nguyễn Du - TP. Vinh - Nghệ An. Liên hệ: 0989662498
Bài 2: Phường Quỳnh Xuân: Giữ gìn nét đẹp của lễ hội
Thứ hai - 03/04/2023 07:45
Từ bao đời nay, lễ hội đền đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt văn hóa, tâm linh của mỗi người dân Quỳnh Xuân nói riêng và cả nước nói chung. Hằng năm, cứ mỗi độ “Tiết Thanh minh” đến hết “Ngày dỗ tổ 10/3” người dân địa phương lại nô nức chuẩn bị cho lễ hội 2 di tích lịch sử Quốc gia là Đền Phùng Hưng và Đền Xuân Hòa, đây là dịp để thể hiện lòng thành tâm, cầu mong bình an, may mắn đến với bản thân, gia đình và người thân. Đồng thời, cũng là dịp để được hòa mình vào những nghi lễ, trò chơi dân gian đậm đà bản sắc văn hóa của địa phương…
Với người dân Quỳnh Xuân lễ hội 2 di tích lịch sử Quốc gia Đền Phùng Hưng và Đền Xuân Hòa đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mang tính tâm linh và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hình thức tổ chức và nội dung các lễ hội có sự kết hợp giữa lễ và hội, đan xen giữa tín ngưỡng dân gian, thờ thần hoàng làng, tín ngưỡng… Ý nghĩa phần lễ trong lễ hội Đền Phùng Hưng và Đền Xuân Hòa không chỉ thuần túy mang yếu tố tín ngưỡng mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần mang đậm nét đạo lý, truyền thống tôn kính tổ tiên, “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công đức của các vị anh hùng, danh nhân có công xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, những bậc tiền nhân có công lớn trong việc khai hoang, mở đất, chiêu dân, lập ấp, truyền nghề mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Người dân đến và tham gia lễ hội như là một nhu cầu tự thân, với tâm nguyện tốt lành và hướng thiện. Sau những bộn bề công việc, với những lo toan cuộc sống hằng ngày, tham gia lễ hội sẽ giải tỏa những âu lo, phiền muộn của cuộc sống, được thư giãn với những trò chơi dân gian lành mạnh, được tham quan, thưởng ngoạn, tìm hiểu về các di tích lịch sử – danh lam thắng cảnh của địa phương Quỳnh Xuân. Đến với khung cảnh lễ hội của đền, dường như bản thân quên hết những mệt nhọc, cảm thấy trong lòng rất thư thái, nhẹ nhõm. Nhiều người cho rằng đi lễ đền không chỉ để cầu nguyện, mà đó còn là khoảng thời gian để con người tĩnh tâm hướng về cội nguồn, tổ tiên. Mỗi người đến lễ hội đền với những mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Cũng có những người đến chùa chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên, nhằm xua tan những lo toan bộn bề trong cuộc sống.
Để lễ hội phát triển đúng hướng, thật sự là hoạt động văn hóa lành mạnh, bên cạnh việc địa phương thực hiện tốt quy định về nếp sống văn minh trong các lễ hội theo Chỉ thị số 27/CT-TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Cấp ủy, chính quyền địa phương đã chuẩn bị tốt các hoạt động lễ hội nhằm phát huy những yếu tố tích cực và ngăn chặn những yếu tố tiêu cực trong lễ hội truyền thống. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng tổ chức và quản lý lễ hội phù hợp với cấu trúc, đặc điểm và những yếu tố cấu thành của lễ hội truyền thống, phù hợp với tâm lý, nguyện vọng của nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm khắc phục những nhận thức sai lệch, méo mó về tổ chức và tham gia lễ hội. Làm sao để mỗi người tham gia thấy được việc đến với lễ hội, đó không chỉ là cuộc du ngoạn tâm linh, mà còn để làm cho con người mắt sáng, tâm trong, từ đó nâng cao ý thức, hành xử văn minh góp phần nâng tầm ý nghĩa của việc bảo tồn các nét đẹp văn hóa lễ hội trong đời sống hiện đại. Lễ hội 2 đền gồm hai phần chính: Phần lễ và phần hội. Phần lễ được cử hành một cách trang trọng đúng nghi thức với sự tham gia của nhiều vị chức sắc trong làng cũng như các lãnh đạo thị xã và phường về dự. Lễ vật dùng trong nghi thức tế lễ gồm có: Hoa quả, Bánh chưng, bánh dày, lợn, gà, bò… Khi tiếng nhạc phường bát âm cất lên cũng là lúc chủ tế bắt đầu đọc lời nguyện trước ngai thờ các vị thần, thành hoàng làng, trước là báo công sau là cầu phước. Cứ mỗi lần cụ chủ tế đọc lời tế trong sớ là kèm theo một hồi trống và chiêng hiệu. Sau tiếng trống và chiêng đoàn tế tiến lên phía trước tiền đường quỳ lạy và lại lùi về sau. Nghi thức diễn ra cho đến khi lời nguyện trong sớ được cụ chủ tế lần lượt đọc hết.
Phần hội của được diễn ra khá sớm, bắt đầu từ những ngày đầu tháng 3 âm lịch với nhiều hoạt động vui nhộn đậm chất văn hóa dân gian và sinh hoạt thể dục thể thao thao lành mạnh, bổ ích như bóng đá, bóng chuyền, đẩy gậy, chọi gà và các trò chơi khác, thu hút được đông đảo người dân tham gia. Đây là phần người dân mong chờ nhất và cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Mỗi người dân mà chưa được xem hoặc tham gia các hoạt động văn hóa dân gian, các trò chơi dân gian, các hoạt động của phần hội thật là uổng phí.
Lễ hội 2 đền của phường Quỳnh Xuân là biểu hiện rõ nét nhất tín ngưỡng dân gian của người dân địa phương trong việc thờ cúng tổ tiên, tôn trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, luôn tìm về nguồn cội nơi chôn rau, cắt rốn, nơi khởi nguồn của tình yêu thương và đạo lý làm người được hun đúc và bồi đắp theo thời gian. Lễ hội đền là địa chỉ lý tưởng cho những ai yêu quê hương, thích tìm hiểu văn hóa địa phương cũng như tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí tại lễ hội. năm 2023 này, vào dịp dỗ tổ 10/03 năm Quý Mão, phường Quỳnh Xuân theo định kỳ sẽ tổ chức lễ hội với Quy mô lớn tại Di tích Lịch sử Quốc gia Đền Phùng Hưng. Trân trọng kính mời quý bạn đọc, toàn thể Nhân dân, con em của phường Quỳnh Xuân đang sinh sống, học tập và làm việc trên khắp mọi miền của Đất nước hãy sắp xếp thời gian để trở về thăm quê hương và tham gia vào không khí của lễ hội…
Hi vọng bài viết đã cho bạn thêm một góc nhìn mới về lễ hội 2 đền là 2 di tích lịch sử cấp Quốc gia của phường Quỳnh Xuân – ngày hội của toàn thể nhân dân phường Quỳnh Xuân.