TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHƯỜNG QUỲNH XUÂNThiết kế & Vận hành: Công ty Truyền thông Trực tuyến Việt Nam- Trụ sở: 103 Nguyễn Du - TP. Vinh - Nghệ An. Liên hệ: 0989662498
Thị xã Hoàng Mai kỷ niệm 10 năm ngày thành lập (3/4/2013 - 3/4/2023)
Thứ tư - 29/03/2023 09:34
Hoàng Mai đang đứng trước những thời cơ, nhiều thuận lợi, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 3 vùng kinh tế trọng điểm, trong đó: “… Phát triển vùng Hoàng Mai gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An: Phát triển các khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi với các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp điện tử và các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cho các dự án lớn tại Khu kinh tế Đông Nam và Khu kinh tế Nghi Sơn. Thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Hoàng Mai I, Hoàng Mai II, Khu công nghiệp Đông Hồi. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch, dịch vụ nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của vùng. Tập trung khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến; phát triển các vùng chuyên canh rau, màu theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thị xã Hoàng Mai...”.
Thị xã Hoàng Mai kỷ niệm 10 năm ngày thành lập (3/4/2013 - 3/4/2023)
-----
I- KHÁI QUÁT CHUNG
Hoàng Mai! Vùng đất có núi, sông, ruộng đồng, biển cả. Cảnh sắc như một bức tranh thiên nhiên hài hòa, giàu tiềm năng lợi thế; gắn liền những di tích - danh thắng đậm tính nhân văn, với truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời; từ lâu Hoàng Mai đã trở thành điểm đến du lịch, hấp dẫn của du khách bốn phương.
Cách thành phố Vinh 70 km về phía Bắc, Hoàng Mai nằm ở toạ độ từ 19015’45’ độ vĩ Bắc; 105042’51’ độ kinh Đông; phía Đông giáp Biển, phía Tây và Nam giáp huyện Quỳnh Lưu, phía Bắc giáp huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa).
Với diện tích 16.974,88 km2, Hoàng Mai hội đủ tất cả các yếu tố thuận lợi để phát triển, như: Nguồn nhân lực dồi dào, khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật nhạy bén, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng (đá vôi, đất sét,…) sẵn có, với trữ lượng lớn; hệ thống giao thông quốc gia kết nối thuận lợi với các khu vực trọng điểm kinh tế của tỉnh Nghệ An và vùng phía Nam tỉnh Thanh Hóa. Bờ biển Hoàng Mai dài 18 km, tạo thuận lợi để phát triển du lịch biển. Bãi biển Quỳnh Phương, Quỳnh Liên, Quỳnh Lập nơi có bãi cát sạch, mịn, nước trong, độ mặn phù hợp tắm biển còn là nơi có thể tạo lập khu du lịch với các hình thức vui chơi, giải trí, thể thao dưới nước, ngoài ra cùng với những bãi đá đẹp huyền ảo, gắn với những truyền thuyết, những huyền thoại say đắm lòng người. Biển Hoàng Mai nguồn lợi thủy, hải sản dồi dào, phong phú... Bổ trợ là không gian biển cảnh quan núi Cháy, núi Rồng (xã Quỳnh Lập), núi Xước (xã Quỳnh Lộc) với nhiều loại cây bạt ngàn bóng mát. Thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ hồ Vực Mấu, sông Hoàng Mai cộng với di tích lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng, như: Chùa Bát Nhã, chùa Càn Môn, đền Vưu, đền Xuân Úc, đền Phùng Hưng, hang Hỏa Tiễn và nhất là đền Cờn nổi tiếng linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ,… đó là lợi thế để phát triển du lịch biển, sinh thái, tâm linh…
Từ các tư liệu lịch sử và Di chỉ khảo cổ ở núi Thống Lĩnh, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho chúng ta thấy rằng: Hoàng Mai là một vùng đất cổ, là kết quả bầu tụ của biển, núi và rừng. Cách đây 5 - 6 ngàn năm, con người đã định cư tại đây, sinh sống bằng việc săn bắn, hái lượm, bắt điệp, sò, ốc, ngao, hàu... ven biển để làm thức ăn sinh sống hằng ngày. Qua thời gian cư dân đã biết chăn nuôi, trồng lúa, trồng màu, khai thác hải sản, chinh phục đồng bằng và biển cả ... cái tên gọi Hoàng Mai mãi đến cuối thế kỷ VI vào thời Hậu Lê, đời vua Lê Chân Tông (1643 - 1649) mới thấy xuất hiện trên các tài liệu chữ viết và khắc trên bia tiến sĩ Lê Duy Quỳnh (người làng Trú Kỵ, nay là phường Quỳnh Thiện) đặt ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Trước đây, vùng đất Hoàng Mai thuộc huyện Quỳnh Lưu, trải qua nhiều biến thiên lịch sử, địa giới hành chính Quỳnh Lưu có nhiều thay đổi với nhiều tên gọi khác nhau. Trước năm 1469, cương vực Quỳnh Lưu thuộc đất Hàm Hoan sau được gọi là Hoan Châu, Trung Nghĩa, Diễn Thủy. Năm 1469, Quỳnh Lưu là một huyện của phủ Diễn Châu thuộc trấn Nghệ An. Đến thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), Quỳnh Lưu thuộc phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Nhà nước gọi các đơn vị hành chính: Phủ, huyện, châu đều là huyện.
Trải qua các giai đoạn lịch sử với nhiều biến đổi về mặt địa lý hành chính và tên gọi khác nhau, các thế hệ cư dân vùng Hoàng Mai đã cần cù lao động, thau chua, ngọt hóa đồng ruộng, cải tạo tự nhiên, sáng tạo, đoàn kết, đồng lòng xây dựng, bảo vệ quê hương, tạo nên truyền thống tốt đẹp của một vùng quê.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Nhân dân vùng Hoàng Mai một lòng đi theo Đảng, các Chi bộ Đảng nơi đây sớm được thành lập: Chi bộ Đảng Phương Cần (Quỳnh Phương), Chi bộ Hữu Lập - Hải Lệ (Quỳnh Lập, Quỳnh Lộc), Chi bộ Quý Vinh - Thiện Kỵ (Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện), Chi bộ Nhị Yên (Quỳnh Trang) được thành lập giai đoạn năm 1935 - 1936. Dưới sự lãnh đạo của các Chi bộ Đảng, Mặt trận Việt Minh cùng các địa phương trong cả nước, Nhân dân các làng, xã vùng Hoàng Mai đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân, sớm hơn hai ngày so với thủ đô Hà Nội, bốn ngày so với tỉnh lỵ Vinh; chỉ trong vòng 08 ngày (từ 16 đến 20/8/1945) cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở vùng Hoàng Mai đã giành thắng lợi.
Ngày 16/8, làng Yên Phú (Mai Hùng); làng Hữu Lập - Đông Hồi (xã Quỳnh Lập) giành chính quyền. Ngày 17/8, làng Xuân Úc, Hữu Nam, Đại Đồng (Quỳnh Liên); làng Phương Cần (Quỳnh Phương) giành chính quyền. Ngày 18/8, làng Thiện Kỵ (Quỳnh Thiện); làng Thọ Vinh, Quý Vinh (Quỳnh Vinh); làng Quỳnh Tụ, Xuân Hòa (Quỳnh Xuân) giành chính quyền. Các làng ở xã Quỳnh Trang cũng giành chính quyền, như: Làng Nhị Yên, làng Nhạo Sơn, làng Trang Họ và làng Yên Hòa (làng Yên Hòa nay thuộc xã Quỳnh Vinh). Ngày 20/8, làng Dị Nậu (nay là phường Quỳnh Dị), giành chính quyền.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, các chi bộ Đảng được củng cố, kiện toàn lãnh đạo Nhân dân đẩy lùi “giặc đói, giặc dốt”, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Hoàng Mai có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, phía Bắc là cầu La Man, Khe Son, Khe Dũ, phía Nam là cầu bắc qua sông Hoàng Mai, có ga Hoàng Mai, mỏ đá Hoàng Mai; giữa là tuyến đường Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam - được xem là con đường chiến lược mở đầu cửa ngõ xứ Nghệ nên vùng Hoàng Mai là trọng điểm đánh phá, trở thành túi bom của địch. Đế quốc Mỹ đã sử dụng nhiều loại vũ khí và phương tiện hiện đại, như: Máy bay A3D, AD6, F4, A6A, B66B, tàu chiến liên tục đánh phá suốt ngày đêm, quyết tâm cắt đứt tuyến đường chi viện từ hậu phương của ta. Đảng bộ và Nhân dân các xã ở vùng Hoàng Mai đã đoàn kết, chiến đấu anh dũng kiên cường, bám biển, bám làng vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ quê hương. Những năm tháng đó, quân và dân Hoàng Mai đã trực tiếp tham gia chiến đấu hàng ngàn trận. Đặc biệt, quân và dân Hoàng Mai đã cùng với bộ đội chủ lực đánh bại trận càn của thực dân Pháp đổ bộ lên các làng, xã Quỳnh Phương, Mai Hùng, Quỳnh Xuân, tiêu diệt được 13 tên địch. Tháng 02/1952, địch cho hai trung đội đổ quân vào xã Văn Phương (Quỳnh Phương), Nhân dân Văn Phương đã anh dũng ngăn chặn tiến quân của địch. Quân và dân xã Quỳnh Vinh đánh địch đổ bộ bằng đường không xuống Đồng Lách. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân và dân vùng Hoàng Mai đã lập được nhiều chiến công hiển hách. Đặc biệt, ngày 15/5/1965, quân, dân, du kích Quỳnh Trang chốt tại Rú Cần với 06 viên đạn súng trường đã hạ máy bay F4 vào do thám, trinh sát các mục tiêu ở khu vực Hoàng Mai. Chiến công bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh đầu tiên của quân, dân Quỳnh Trang đã dấy lên phong trào bắn máy bay Mỹ bằng súng bộ binh ở miền Bắc; khẳng định súng bộ binh cũng tiêu diệt được máy bay siêu âm của đế quốc Mỹ. “Quỳnh Lưu chiến địa/Mai Giang huyết hồng…” là câu ca nhắc nhớ về những chiến công chống giặc ngoại xâm ở nơi địa đầu xứ Nghệ.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngoài việc tiếp tế hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm cho các chiến trường, hàng ngàn con em các thế hệ thanh niên Hoàng Mai đã lên đường ra mặt trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; 794 người đã anh dũng hy sinh, hàng trăm người đã để lại một phần máu, thịt của mình trên các mặt trận… Toàn thị xã có 60 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 03 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (Anh hùng: Lê Đăng Tới ở Quỳnh Vinh; Hồ Văn Sinh ở Quỳnh Phương; Nguyễn Đình Khoa ở Quỳnh Xuân). Do có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, Nhân dân và lực lượng vũ trang Nhân dân xã Quỳnh Trang; Nhân dân và lực lượng vũ trang Nhân dân xã Quỳnh Lập; Nhân dân và lực lượng vũ trang Nhân dân xã Quỳnh Xuân (nay là phường Quỳnh Xuân); Nhân dân và lực lượng vũ trang Nhân dân xã Quỳnh Liên đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ 15, lần thứ 16 và lần thứ 17; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu lần thứ 25 và 26; Đảng bộ và Nhân dân Quỳnh Lưu, các xã vùng Hoàng Mai đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, tập trung quy hoạch và xây dựng phát triển vùng Hoàng Mai.
Ngày 21/4/2006, Chính phủ có Nghị định số 41/NQ-CP thành lập thị trấn Hoàng Mai, đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn, là mốc son, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong hành trình 10 năm đô thị Hoàng Mai xây dựng và phát triển.
Từ ngày thành lập thị trấn Hoàng Mai, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Quỳnh Lưu; Đảng ủy, Chính quyền và Nhân dân các xã, thị trấn vùng Hoàng Mai tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch các khu công nghiệp; đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; xây dựng phát triển hạ tầng đô thị, nhất là các tuyến đường giao thông quan trọng; thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hút nhiều dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, dịch vụ; an sinh xã hội trong vùng được quan tâm đúng mức; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên; đảm bảo quốc phòng - an ninh; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị có nhiều tiến bộ. Từ đó, đã làm cho diện mạo đô thị vùng Hoàng Mai ngày càng khởi sắc với tốc độ đô thị hóa nhanh. II- HOÀNG MAI 10 NĂM THÀNH LẬP, XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN 1. Thành lập thị xã Hoàng Mai
Ngày 03/4/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 47/NQ-CP về điều chỉnh địa giới hành chính Quỳnh Lưu, thành lập thị xã Hoàng Mai. Thị xã Hoàng Mai thành lập đã khẳng định vai trò, vị thế của một vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế, truyền thống văn hóa, lịch sử; đồng thời mở ra một thời kỳ phát triển mới với những thành tựu mới...
So với chiều dài lịch sử, 10 năm Hoàng Mai xây dựng, phát triển và trưởng thành là khoảng thời gian chưa phải là dài, song Đảng bộ và Nhân dân Hoàng Mai có quyền tự hào đã phát huy mạnh mẽ truyền thống Anh hùng của mảnh đất có bề dày lịch sử và văn hoá, dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất và đoàn kết, tương trợ thống nhất vượt qua bao khó khăn trở ngại, khai thác tiềm năng lợi thế, xây dựng thị xã ngày một văn minh, hiện đại và phát triển. 2. Hoàng Mai giai đoạn 2013 - 2015
Ở những năm đầu khi mới thành lập, thị xã gặp nhiều khó khăn, điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; trụ sở làm việc của Thị ủy, UBND thị xã, các ngành hầu hết đều phải thuê, mượn, nhất là cơn lũ lịch sử năm 2013 đã nhấn chìm Hoàng Mai trong bể nước, khó khăn chồng chất khó khăn. Dù được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng, lượi thế, song tốc độ tăng trưởng kinh tế thời điểm đầu chưa cao, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn, các hoạt động văn hoá, xã hội chưa được đầu tư đúng mức.
Vượt qua những khó khăn, thách thức, thị xã Hoàng Mai đã đề ra những chủ trương, quyết sách, những việc cần làm ngay kịp thời, đúng đắn và đạt những kết quả đáng ghi nhận, sớm thành lập, kiện toàn bộ máy cơ quan Đảng, Chính quyền, Cơ quan hành chính, sự nghiệp; tiếp nhận, bố trí cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị dần đi vào ổn định, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý điều hành và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thị xã.
Dấu ấn quan trọng, đó là Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thị ủy đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ; đặc biệt là đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy sớm ban hành Nghị quyết số 11 về xây dựng, phát triển thị xã Hoàng Mai đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Nghị quyết xác định rõ hướng đi cho Hoàng Mai, đó là, phát triển thị xã theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Nghị quyết số 11 ra đời trong bối cảnh thị xã vừa mới được thành lập đây là những chủ trương, quyết sách mang tính chiến lược để phát triển nhanh và bền vững. 3. Hoàng Mai giai đoạn 2015 - 2020
Thực hiện Nghị quyết số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Hoàng Mai lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2015 - 2020 trong bối cảnh tình hình chính trị xã hội ổn định, nhiều cơ chế chính sách mới của tỉnh được ban hành, đã và đang phát huy hiệu quả, là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới trên địa bàn thị xã. Dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ thị xã khoá II, các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, động viên được sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng bộ, Nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân nỗ lực phấn đấu, đạt những thành tích, kết quả toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội; quốc phòng, an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Đến hết năm 2020, kinh tế Hoàng Mai tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nhiều chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 14,14%/năm; quy mô kinh tế đứng thứ 03/21 huyện, thành, thị; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó công nghiệp - xây dựng chiếm 58,09%, dịch vụ chiếm 23,36%, nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 18,55%. Giá trị tăng thêm bình quân đầu người đạt 58,09 triệu đồng, tăng 23,79 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ.
Thị xã từng bước khẳng định vai trò là cực tăng trưởng của tỉnh. Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 12.197 tỷ đồng, đóng góp bình quân 10 - 12% vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp hằng năm của cả tỉnh, giải quyết nhiều việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận lớn người lao động. Các lĩnh vực kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp và tiểu thủ công nghiệp giữ được tốc độ tăng trưởng khá, hỗ trợ du lịch phát triển và góp phần nâng cao đời sống Nhân dân.
Xây dựng nông thôn mới được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân, trở thành phong trào thi đua sâu rộng và đạt được nhiều kết quả quan trọng; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên. 5/5 xã về đích xây dựng nông thôn mới, thị xã được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới sớm hơn hai năm so với kế hoạch.
Thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả tích cực, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình ngày càng hiệu quả, đã thu hút được 40 dự án, với tổng số vốn đăng ký trên 16 nghìn tỷ đồng, có nhiều dự án đã đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đồng thời, tạo nguồn thu ngân sách và giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động trên địa bàn thị xã.
Công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị được các cấp uỷ Đảng và Chính quyền quan tâm chỉ đạo tích cực, tốc độ đô thị hóa trong khu dân cư chuyển biến rõ rệt, hàng chục ngàn ngôi nhà cao tầng, dần hình thành các tuyến phố, khu dân cư theo hướng đô thị; công tác quản lý tài nguyên và môi trường đạt nhiều chuyển biến tích cực... Từng bước làm thay đổi diện mạo đô thị Hoàng Mai, tạo thế và lực cho thị xã trên con đường hội nhập và phát triển.
Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho bộ phận Một cửa của thị xã và các xã, phường cơ bản đáp ứng yêu cầu; cắt giảm thời gian 77 thủ tục hành chính trên tất cả lĩnh vực thuộc thẩm quyền cấp thị xã, với 430 ngày được cắt giảm. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành, quản lý nhà nước được đẩy mạnh. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương các cấp từng bước được nâng cao.
Lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực, có chuyển biến rõ rệt về chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn, từ một đơn vị đứng tốp cuối, đã vươn lên tốp đầu của tỉnh; đội ngũ giáo viên phát triển cả về số lượng và chất lượng. Quy mô giáo dục được mở rộng, thành lập mới 01 trường THPT công lập, 03 trường mầm non tư thục và các trung tâm ngoại ngữ.
Thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao cấp cơ sở được quan tâm đầu tư. Lễ hội Đền Cờn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được hưởng ứng mạnh mẽ.
Công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân từng bước được nâng lên, kiểm soát, xử lý tốt các loại dịch bệnh, trong đó đã chỉ đạo thực hiện tốt việc phòng, chống và thích ứng linh hoạt với dịch bệnh Covid-19; 100% xã, phường giữ vững bộ tiêu chí quốc gia về y tế.
Công tác Dân số và phát triển được quan tâm chỉ đạo, tập trung mục tiêu giảm dần tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên và nâng cao chất lượng dân số. Công tác giải quyết việc làm đạt nhiều kết quả tốt; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 62%, trong đó đào tạo nghề đạt 57%. Quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách cho người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,7%.
Công tác quốc phòng, an ninh được các cấp uỷ Đảng, Chính quyền phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu. Động viên được sức mạnh của quần chúng vào việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.
Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và hiệu quả trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, xây dựng, nhân rộng được nhiều cách làm hay, nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác. Thường xuyên nắm bắt diễn biến tư tưởng trong Đảng, tâm trạng Nhân dân để có định hướng chỉ đạo kịp thời, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong nhận thức và hành động, tạo sự chuyển biến tích cực về tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên; niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường, củng cố.
Cấp ủy các cấp luôn chăm lo xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, chất lượng sinh hoạt Đảng, chất lượng các tổ chức cơ sở Đảng và chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở ngày càng được nâng cao. Công tác quy hoạch cán bộ từ thị đến cơ sở được thực hiện đúng quy trình, việc luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ đã phát huy được tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ, tạo thuận lợi để cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Các mặt công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật Đảng, công tác dân vận của Đảng được các cấp uỷ Đảng thực hiện chủ động, khoa học và sâu sát hơn. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp đồng bộ với các cấp chính quyền, tạo sự phong phú đa dạng các hình thức tập hợp quần chúng, quyền làm chủ của Nhân dân được tôn trọng, phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố vững chắc.
Trong suốt chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển, được Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh và các Bộ, Ngành Trung ương luôn quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi; Đảng bộ và Nhân dân thị xã Hoàng Mai luôn phát huy truyền thống mảnh đất anh hùng, phát huy những giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống lâu đời, với tinh thần cách mạng, đoàn kết, thống nhất, nêu cao tính tự lực, tự cường, khai thác tiềm năng thế mạnh tạo nên một vóc dáng mới, một diện mạo mới của đô thị trẻ nơi địa đầu Xứ Nghệ.
Hoàng Mai đang đứng trước những thời cơ, nhiều thuận lợi, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 3 vùng kinh tế trọng điểm, trong đó: “… Phát triển vùng Hoàng Mai gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An: Phát triển các khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi với các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp điện tử và các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cho các dự án lớn tại Khu kinh tế Đông Nam và Khu kinh tế Nghi Sơn. Thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Hoàng Mai I, Hoàng Mai II, Khu công nghiệp Đông Hồi. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch, dịch vụ nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của vùng. Tập trung khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến; phát triển các vùng chuyên canh rau, màu theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thị xã Hoàng Mai...”.
Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Hoàng Mai lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025, thị xã đã giành được nhiều kết quả.
4. Những kết quả nổi bật năm 2022
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 -2025, thị xã đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,51%; quy mô kinh tế theo giá trị sản xuất (giá so sánh) đạt 21.699 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ; giá trị tăng thêm bình quân đầu người 74,9 triệu đồng.
Thu hút đầu tư khởi sắc, nhất là thu hút các dự án FDI, có 04 dự án đã khởi công xây dựng, trong đó có 02 dự án FDI tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 265 triệu đô la.... Đến nay, có 410 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 17% so với cùng kỳ.
Thị xã tập trung nguồn nhân lực để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn. Hiên nay, đang triển khai thực hiện 44 dự án (trong đó, Trung ương 03 dự án, tỉnh 06 dự án, thị xã và các đơn vị khác 35 dự án). Thị xã hiện có 19 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.
Chất lượng giáo dục tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn. Kết quả, năm học 2021 - 2022, 100% cấp học hoàn thành chương trình, học sinh lớp 9 thi vào THPT được xếp thứ 4/21 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Kết quả, học sinh giỏi của Trường THPT Hoàng Mai được xếp thứ 6/69 trường THPT công lập của tỉnh.
Vận động, phối hợp vận động nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên 5,5 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 giảm còn 2,09% theo tiêu chí mới.
Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, công tác chuyển đổi số có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là ứng dụng về công tác quản lý điều hành và cải cách hành chính.
Công tác quốc phòng được giữ vững, an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được chăm lo với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả được cấp trên và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Kết nạp 103 đảng viên, đạt 103% kế hoạch; thành lập mới 02 chi bộ doanh nghiệp tư nhân trực thuộc Thị ủy.
Năm 2022, Hoàng Mai được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho phát triển kinh tế, xã hội.
Trên bước đường đi tới còn rất nhiều trở ngại, nhưng phía trước Đảng bộ và Nhân dân Hoàng Mai là thời cơ vàng, là thiên thời - địa lợi - nhân hoà, bằng sự cố gắng nỗ lực, nhất định thị xã Hoàng Mai sẽ thành công trong xây dựng và phát triển thị xã quê hương, xứng đáng là một vùng kinh tế năng động, cực tăng trưởng kinh tế phía Bắc của tỉnh Nghệ An. III- PHÁT HUY NHỮNG THÀNH TỰU ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC TRONG 10 NĂM QUA, TIẾP TỤC NỖ LỰC VƯỢT QUA KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC XÂY DỰNG HOÀNG MAI TRỞ THÀNH VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA BẮC CỦA TỈNH
Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của quê hương, và thành tựu qua 10 năm thành lập thị xã, Đảng bộ, Chính quyền thị xã Hoàng Mai đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu; kế thừa và phát triển; xác định phương hướng, mục tiêu ngày càng rõ hơn qua các giai đoạn, cho thấy những bước tiến mới về tư duy, thể hiện rõ trí tuệ, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, quyết tâm đưa Hoàng Mai ngày càng phát triển nhanh và bền vững.
Trong hành trình mới, Đại hội Đảng bộ thị xã Hoàng Mai lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định:“Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phát huy dân chủ, kỷ cương, trách nhiệm và sức mạnh của cả hệ thống chính trị; huy động mọi nguồn lực, tạo bước đột phá, xây dựng thị xã Hoàng Mai có kinh tế, văn hoá - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh vững mạnh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; từng bước xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, tăng nhanh tỷ lệ đô thị hóa, hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III trước năm 2025 theo hướng văn minh, hiện đại; trở thành một trong các cực tăng trưởng nhanh và bền vững của tỉnh. Chuẩn bị tốt các điều kiện để xây dựng và phát triển thị xã theo hướng đô thị biển, trong đó ưu tiên phát triển các dịch vụ cảng biển, du lịch, thương mại, tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế”. Mục tiêu thể hiện ý chí quyết tâm, khát vọng vươn lên mạnh mẽ và sự đoàn kết, nhất trí cao, đồng sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức của Đảng bộ và Nhân dân thị xã Hoàng Mai, quyết tâm xây dựng Hoàng Mai sớm hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III, trở thành vùng kinh tế trong điểm phía Bắc của tỉnh. Nghị quyết Đại hội đã nêu 4 nhiệm vụ trọng tâm cơ bản sau: 1. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh về mọi mặt. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, vận hành thông suốt, hoạt động hiệu lực hiệu quả. 2. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, lãng phí. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố và tăng cường lòng tin, sự gắn bó của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân; quyền con người, quyền công dân; xây dựng cộng đồng xã hội dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, hài hòa, đồng thuận, văn minh. 3. Tập trung quản lý và thực hiện tốt quy hoạch, khai thác và và sử dụng hợp lý, hiệu quả mọi nguồn lực để thu hút đầu tư gắn với bảo vệ môi trường. Tích cực, chủ động thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển đồng bộ và tạo sự liên kết giữa các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm của thị xã; tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, quân sự địa phương; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. 4. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với xây dựng văn hóa con người Hoàng Mai góp phần phát triển kinh tế và quản lý xã hội bền vững. Nâng cao thu nhập, thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Kỷ niệm 10 năm thành lập thị xã, Đảng bộ, toàn quân, toàn dân, con em Hoàng Mai trên mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài càng thêm tin tưởng, phấn khởi, tự hào; phát huy dân chủ, đoàn kết, ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Hoàng Mai, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức; hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập và công tác; phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, quyết tâm xây dựng Hoàng Mai sớm đạt tiêu chí đô thị loại III. IV- MỘT SỐ KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN 1. Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập thị xã Hoàng Mai (3/4/2013 - 3/4/2023)! 2. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Hoàng Mai thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập thị xã (3/4/2013 - 3/4/2023)! 3. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Hoàng Mai quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 -2025! 4. Doanh nghiệp phát tài, Hoàng Mai phát triển! 5. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Hoàng Mai quyết tâm đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh! 6. Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm! 7. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm! 8. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!